Tìm kiếm tin tức
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt
Ngày cập nhật 20/02/2019

Chiều 19/11, với 455 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành chiếm 93,81% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Trồng trọt.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết,  ngày 09/11/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Trồng trọt. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và có thêm nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau Phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.

Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt với 455 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 93,81% tổng số đại biểu Quốc hội.

Gồm 7 chương, 85 điều, Luật Trồng trọt quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Luật quy định rõ các nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt. Theo đó, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được cấp chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp. Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất, nước; quy trình sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Phát huy lợi thế vùng, gắn với bảo tồn các giống cây trồng đặc sản, bản địa; bảo vệ các hệ thống canh tác bền vững, các di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Chủ động dự báo, phòng, chống thiên tai và sinh vật gây hại cây trồng; thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quốc hội cũng đồng ý quy định phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành trừ: các loại phân bón không phải khảo nghiệm bao gồm: Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm hoặc lân hoặc kali đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm, lân, kali được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Phân bón được khảo nghiệm cả diện rộng và diện hẹp; khảo nghiệm diện rộng chỉ được tiến hành sau khi kết thúc khảo nghiệm diện hẹp. Việc khảo nghiệm phân bón thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia do tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm. Lượng phân bón được sản xuất, nhập khẩu để khảo nghiệm được xác định dựa trên liều lượng bón cho từng loại cây trồng và diện tích khảo nghiệm thực tế theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón.

Người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học và phải tham gia tập huấn khảo nghiệm phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc tổ chức khảo nghiệm phải bảo đảm có đủ số lượng nhân lực thực hiện khảo nghiệm, không kể người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm và phải tham gia tập huấn khảo nghiệm phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón.

Đối với việc lưu mẫu giống cây trồng, Luật khẳng định: Mẫu giống cây trồng khi đăng ký lưu hành giống cây trồng phải được lưu trong suốt quá trình khảo nghiệm và lưu hành giống cây trồng (sau đây gọi là mẫu lưu) do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về trồng trọt quản lý. Việc lưu mẫu giống cây trồng có thể thực hiện theo một trong ba hình thức sau đây: Lưu vật liệu nhân giống cây trồng; lưu giải trình tự gen của giống cây trồng; lưu vật liệu nhân giống cây trồng và giải trình tự gen của giống cây trồng.

Mẫu lưu được sử dụng làm giống khảo nghiệm, giống đối chứng, giống tương tự, giống điển hình trong khảo nghiệm; thử nghiệm, kiểm tra chất lượng giống cây trồng; thanh tra, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp về giống cây trồng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Về điều kiện mua bán phân bón, Luật quy định: tổ chức, cá nhân mua bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón. Trường hợp mua bán phân bón do mình sản xuất thì không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón. Theo đó, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón là: có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng; có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định; người trực tiếp mua bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

Bên cạnh đó, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán giống cây trồng; xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; điều kiện sản xuất phân bón;  sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác; trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác… cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Trồng trọt.

Luật Trồng trọt sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

ác đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt ​Theo quochoi.vn

Nguyễn Thị Thanh Tịnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.451.026
Truy cập hiện tại 2.268