Tìm kiếm tin tức
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Kỳ họp bất thường lần thứ 4 HĐND tỉnh: xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Ngày cập nhật 19/08/2019

Sáng ngày 19/8, Thường trực HĐND tỉnh, khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 4 để bàn và thông qua một số Nghị quyết chuyên đề và kiện toàn nhân sự Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo thẩm quyền.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp, sáp nhập và đổi tên gọi các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện nghị định 34/2019/NĐ-CP và Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

Giảm 114 thôn, tổ dân phố

Theo tờ trình của UBND tỉnh, sau khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh còn lại 1.131 thôn, tổ dân phố (679 thôn và 452 tổ dân phố), giảm 114 thôn, tổ dân phố. Trong đó, thành phố Huế giảm 89 tổ dân phố; thị xã Hương Trà giảm 23 thôn, tổ dân phố (09 tổ dân phố và 14 thôn); huyện Phú Lộc giảm được 02 thôn.

Qua thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất cao và cho rằng việc thực hiện sắp xếp này đã đảm bảo theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương ở cấp xã cũng như việc đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh yêu cầu sau khi Nghị quyết được thông qua, UBND tỉnh cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo Thông tư số 14/2018/TT-BNV và Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố và tiêu chí phân loại thôn, tổ dân phố nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dân cư và thực hiện chính sách phù hợp với thực tế của địa phương...Tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ và chính quyền các địa phương rà soát, nghiên cứu tổ chức việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đảm bảo quy mô theo quy định pháp luật hiện hành để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới.

 

Giai đoạn 2019-2021, sáp nhập 7 xã

Căn cứ Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, UBND tỉnh đã xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các địa phương thực hiện việc lấy ý kiến cử tri. Theo đó, số lượng ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh thực hiện sắp xếp do có 02 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% là 07 xã; phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã đã phù hợp về khoảng cách địa lý, tính cộng đồng dân cư và quốc phòng, an ninh và đảm bảo về yếu tố truyền thống, văn hóa, dân tộc.

Cụ thể: Nhập xã Hồng Tiến và Bình Điền (thị xã Hương Trà) thành xã Bình Tiến; xã Hương Giang và Hương Hòa (huyện Nam Đông) thành xã Hương Xuân; xã Vinh Hải và Vinh Giang (Phú Lộc) thành xã Giang Hải; xã Vinh Phú và Vinh Thái (Phú Vang) thành xã Phú Gia. Huyện A Lưới, nhập xã A Đớt và Hương Lâm thành xã Lâm Đớt; xã Hồng Quảng và Nhâm thành xã Quảng Nhâm; xã Bắc Sơn và Hồng Trung thành xã Trung Sơn.

HĐND tỉnh đề nghị, sau khi có Quyết định nhập các ĐVHC cấp xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh sớm ban hành quyết định phân loại ĐVHC để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp, kiện toàn về tổ chức bộ máy, nhân sự cũng như giải quyết các chế độ, chính sách khác cho địa phương; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát các quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để hướng dẫn cho UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ hành chính, tư pháp cho cá nhân, tổ chức tại xã mới, đảm bảo việc chuyển đổi đơn giản, thuận tiện cho người dân...

Toàn cảnh kỳ họp 

Điều chỉnh phí tham quan di tích

Mục tiêu của việc điều chỉnh phí tham quan nhằm phấn đấu tăng trưởng nguồn thu từ bán vé tham quan di tích Huế giai đoạn 2020 - 2022 đạt  5-10%. Đồng thời, giảm gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, tăng cường nguồn đầu tư ngân sách địa phương từ việc phát huy giá trị di tích phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, trả lại giá trị nguyên vẹn các công trình kiến trúc; mở rộng quy mô phục vụ, tạo thêm điểm nhấn mới cũng như  thu hút và làm tăng khả năng tham quan của du khách…

Mức điều chỉnh tăng lần này được phân chia theo 4 khu vực tham quan (chủ yếu áp dụng cho khách quốc tế và khách nội địa): nhóm 1 quần thể di tích Hoàng Cung Huế tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng; nhóm 2 quần thể các lăng vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng tăng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng; nhóm 3 quần thể các lăng vua Gia Long, Thiệu Trị, Đồng Khánh tăng 40.000 đồng lên 50.000 đồng; nhóm 4 Điện Hòn Chén, Cung An Định, Đàn Nam Giao tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng. Riêng, giá vé gộp 4 điểm tham quan được giảm từ 650.000 đồng xuống 530.000 đồng. Ngoài ra còn có một số chính sách đối với người già, trẻ em, người khuyết tật, học sinh, sinh viên, người Huế và các đối tượng ưu tiên theo quy định.  

Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, mức điều chỉnh giá vé là phù hợp, không tác động lớn đến du khách, nhất là khách quốc tế; đối với khách nội địa cần có kích cầu để thu hút thêm du khách. Các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, bên cạnh điều chỉnh giá vé, UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo Sở Du lịch và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với các đơn vị lữ hành tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng như xem xét, cân đối nguồn kinh phí để thúc đẩy hoạt động này nhằm tăng lượng du khách đến tham quan, nhất là kéo dài thời gian lưu trú của du khách…

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng tiến hành bỏ phiếu và thông qua Nghị quyết về kiện toàn nhân sự Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, các Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đã kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương; tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh khẩn trương ban hành các quyết định cụ thể để triển khai thực hiện; Thường trực, các Ban HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện để các Nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống”.

 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.438.678
Truy cập hiện tại 595