Tìm kiếm tin tức
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Xem xét tính cân đối và hợp lý giữa chỉ huy quân sự và công an xã
Ngày cập nhật 17/04/2019

(Chinhphu.vn) – Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến khi thảo luận về Luật Dân quân tự vệ chiều 11/3, tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự án luật, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ và đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; hoan nghênh Bộ Quốc phòng đã rất kịp thời tiếp thu và có giải trình về 10 nội dung mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nêu ra tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với ý kiến đánh giá việc chuẩn bị dự án luật rất công phu, sau khi thẩm tra sơ bộ, Bộ Quốc phòng rất nhanh chóng có báo cáo giải trình, tiếp thu và báo cáo thêm một số nội dung đề nghị giữ nguyên như dự thảo với những lý lẽ phân tích khá kỹ. Hồ sơ dự án luật cũng bảo đảm đầy đủ sau khi thẩm tra chính thức có thể đủ điều kiện báo cáo ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát thêm dự án để bảo đảm phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, chế độ tiền lương, phụ cấp; tránh quy định chung chung, chưa cụ thể hoặc chưa đầy đủ, trùng lắp với các quy định trong các luật hiện hành có liên quan…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề, theo quy định hiện hành, khi có tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hoặc tình trạng chiến tranh thì người chỉ huy là người của Quân đội nhân dân. Hiện nay, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức cấp xã, trong khi lực lượng nòng cốt phối hợp là Công an nhân dân đã có sĩ quan chính quy đảm nhiệm nhiệm vụ. Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị thảo luận, nghiên cứu thêm, nên đặt vị trí Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thế nào, cấp nào để bảo đảm “chỉ huy được” khi xảy ra tình huống theo quy định.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Theo nghị quyết của Bộ Chính trị và thực tiễn từ trước tới nay, trong các cuộc chiến tranh đã xảy ra, cơ quan quân sự luôn là cơ quan tham mưu và chủ trì trong hiệp đồng tác chiến. Đây là việc cần chuẩn bị từ thời bình, không phải khi chiến tranh xảy ra mới đưa người về làm chính quy. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu câu hỏi: Công an xã là sĩ quan chính quy, xã đội trưởng chỉ là công chức cấp xã mà phổ biến kế hoạch, phương án tác chiến, xây dựng khu vực phòng thủ thì như thế nào, có đúng với vai trò, vị trí không?

Theo Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ, vị trí Chỉ huy trưởng nếu để Luật Cán bộ công chức điều chỉnh thì giải quyết mối quan hệ với công an xã thế nào. Điểm này vướng, cần nghiên cứu khả thi để bảo đảm vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cân đối tương quan giữa hai lực lượng ở cấp xã khi quân hàm của Trưởng công an xã là sĩ quan, còn Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã chỉ là công chức cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức xã, nhưng khi có tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh thì Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân đảm nhiệm. Trong khi đó, quy định về vị trí, vai trò của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức xã khi có tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh chưa được quy định rõ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về chế độ, chính sách với lực lượng dân quân tự vệ; vị trí, chức năng của dân quân tự vệ; về tên gọi của dự luật; về mở rộng lực lượng dân quân tự vệ; về thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống bão lũ của lực lượng dân quân tự vệ, về hợp tác quốc tế của lực lượng dân quân tự vệ; về tổ chức lực lượng tự vệ tại các doanh nghiệp…

* Sáng 11/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Đa số ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước để khắc phục những bất cập của luật hiện hành và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại, chỉ sửa đổi các điều, khoản thực sự cần thiết, bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và thực tiễn sau 3 năm thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước; có sự dẫn chiếu tới các luật liên quan để tránh quy định trùng lắp; không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là với các luật có liên quan. Các ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng việc đề xuất bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính cho Kiểm toán Nhà nước, tránh mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Cán bộ, công chức…; làm rõ đối tượng kiểm toán; về đề nghị bổ sung thẩm quyền Kiểm toán Nhà nước có quyền ra quyết định truy thu thuế, thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; về việc bổ nhiệm kiểm toán viên; về khiếu nại kết quả kiểm toán; về quan hệ của Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan chức năng để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

 

Theo Lê Sơn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.452.021
Truy cập hiện tại 2.442