Tìm kiếm tin tức
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Học sinh tăng tốc luyện thi
Ngày cập nhật 21/02/2019

 

Nghỉ Tết chưa lâu, Nguyễn Hoàng Nam, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) đã vội vã quay lại các lớp luyện thi. Ngoài lịch học ở trường, Nam kín lịch học thêm ở các trung tâm với 4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Nam cho biết, năm nay em đăng ký dự thi khối D1 nên phải học thêm cả 3 môn trên. Trong khi Toán là sở trường thì Ngữ văn không phải thế mạnh, do đó từ đầu năm học Nam đã đến lò luyện thi. Nam chia sẻ, khi chưa có đề minh họa, giáo viên dạy kiến thức cơ bản xong, cho học sinh luyện đề dựa theo đề năm 2018. Khi có đề minh họa, học sinh được yêu cầu đào sâu từng chi tiết trong mỗi tác phẩm, trong khi đó ngoài sách giáo khoa, học sinh phải mở rộng rất nhiều văn bản ngoài sách. Nam cho biết, giáo viên hướng dẫn học toàn bộ kiến thức chương trình THPT, trong khi đề minh họa năm nay kiến thức chủ yếu nằm trong lớp 12. Nếu bám đề minh họa, không học kiến thức lớp 10 và 11 sẽ không chắc chắn mà học thì nội dung quá rộng. 

Em Nguyễn Thị Thu Hà, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian nên giai đoạn này được coi là nước rút để vừa hoàn thành chương trình vừa ôn tập tất cả các môn. Năm nay, với việc điều chỉnh tỉ lệ điểm thi để xét tốt nghiệp lên tới 70% thay vì 50% như những năm trước khiến học sinh không thể coi thường các môn thi tốt nghiệp. Hà mong muốn, kỳ thi tới Bộ GD&DT giữ nguyên độ khó như đề minh họa đã công bố. Bởi đề minh họa năm nay đã giảm độ khó so với năm trước và phạm vi nội dung kiến thức cũng chủ yếu tập trung ở lớp 12.

Một giáo viên luyện thi môn Toán tại Hà Nội chia sẻ, thời điểm này, lịch dạy học ở trung tâm đã kín mít với mỗi ngày 3 ca dù giáo viên này chỉ dạy được từ chiều đến 9 giờ tối. Theo giáo viên này, trước Tết học sinh cũng đã ôn luyện kiến thức cơ bản lẫn nâng cao bởi vì không thể bám mỗi chương trình SGK khi vẫn có những câu hỏi khó, phân loại học sinh. Hơn nữa, phương thức ra đề thi trắc nghiệm là có thể hỏi bất cứ chỗ nào nên giáo viên luôn khuyến khích học sinh phải học kỹ, đào sâu chương trình, học đến đâu  nắm chắc đến đó, giải quyết được tất cả các dạng đề liên quan mới yên tâm làm tốt đề thi. 

Nên giữ độ khó như đề minh họa

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thông tin, năm ngoái khảo sát toàn toàn bộ học sinh lớp 12 cho thấy, có tới gần 72% bày tỏ sự lo lắng về đề khó, lượng kiến thức quá lớn, học sinh không có đủ thời gian ôn tập. Trong đó, có khoảng 30% học sinh cho biết dành nhiều thời gian để tới các lò luyện thi. Theo ông Hòa, năm nay trường chưa tiến hành khảo sát, tuy nhiên sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa, tâm lý giáo viên có phần nhẹ nhõm hơn. Bởi, độ khó của đề đã được tiết giảm, nội dung, kiến thức của lớp 10, 11 cũng giảm phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Bộ có giữ được quan điểm, mức độ đề thi phù hợp hay không mới là điều quan trọng. Nếu đề chính thức khó hơn, phân hóa hơn, học sinh sẽ gặp khó khăn. 

Ông Hòa cũng chia sẻ, đến thời điểm này, trường chỉ đạo ôn tập bám sát chuẩn chương trình, không ôn nâng cao. Nhà trường cũng không khuyến khích luyện thi, bởi nếu làm tốt đề minh họa học sinh khá đã đạt mức điểm 7-8, học sinh giỏi đạt 9, 10. Tuy nhiên, học sinh, phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng nên trong thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường ôn thi theo khối ngành học sinh đã đăng ký. 

Cô Võ Thị Hoài Thanh, giáo viên dạy Ngữ Văn THPT ở Hà Tĩnh cho rằng, đề thi môn Ngữ Văn 2018 mở, rất khó và đề minh họa năm 2019 cũng không dễ. Do đó, ngoài chương trình SGK, giáo viên yêu cầu học sinh mở rộng kiến thức ra nhiều văn bản ngoài SGK, trong đó chú trọng đọc hiểu để xác định thể loại văn bản, phân tích, so sánh chi tiết, tình huống. 

Cô Thanh cũng chia sẻ thêm, trong văn học điều quan trọng đối với học sinh là việc đọc hiểu và thẩm thấu tác phẩm. Do đó, không nhất thiết phải khoanh vùng kiến thức nằm trong chương trình lớp 10, 11 mà nên ra đề mở để học sinh không diễn theo lối mòn. Hơn nữa, việc cùng lúc phải học chương trình của 3 năm dẫn đến chuyện nhồi nhét căng thẳng, không cần thiết. 

Thầy Đào Nguyên Sử, giáo viên dạy Toán Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ, kinh nghiệm luyện thi cho học sinh là nên tập trung giải đề. Theo thầy Sử, đề minh họa năm nay chủ yếu kiến thức cơ bản, không nhiều câu hỏi khó, tuy nhiên đòi hỏi học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt mới giải hết được.

Do vậy, ngoài học các dạng Toán, học sinh luyện kỹ năng giải đề theo tư duy từ dễ đến khó, từ chậm đến nhanh. Cũng theo thầy Sử, hiện nay các bộ đề trên mạng khá trôi nổi, khó đảm bảo độ chính xác, do đó học sinh nên tham khảo các bộ đề do giáo viên các trường THPT trực tiếp biên soạn. 

Nguyễn Thị Thanh Tịnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.451.762
Truy cập hiện tại 2.387