Để tránh xa căn bệnh được xem là “dịch bệnh của toàn thế giới” này, bạn có thể tham khảo những lời khuyên hữu ích sau đây.
Nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân
Mặc dù công việc rất quan trọng với phần lớn chúng ta nhưng nếu không đủ sức khỏe bạn không thể làm việc tốt được. Khi thấy biểu hiện của sự mệt mỏi căng thẳng kéo dài là lúc bạn phải kịp thời ngăn chặn. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cố gắng chợp mắt hoặc nằm thư giãn 15 - 30 phút vào buổi trưa. Đi ngủ sớm vào ban đêm, tốt nhất là trước 23 giờ và đủ giấc 7 - 8 tiếng/ ngày vì ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ stress cho bạn.
Đồng thời, bạn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ quả, hạn chế các chất kích thích như bia rượu, cà phê và thực phẩm nhiều đường. Tập thể dục thường xuyên, ví dụ yoga, chạy bộ… cũng là phương pháp hiệu quả để giải tỏa căng thẳng. Hoạt động thể chất sẽ giải phóng endorphin giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
Tìm đến thiên nhiên
Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, hãy tận dụng những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, tìm đến môi trường thiên nhiên để được “thanh lọc” những năng lượng tiêu cực và giúp bạn phục hồi sức lực. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh, sống gần gũi với thiên nhiên sẽ tốt cho sức khỏe và cả tâm lý của con người. Ánh sáng mặt trời cũng được chứng minh là một nhân tố có lợi cho sức khỏe và giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Sắp xếp công việc một cách khoa học
Việc nhiều, không biết sắp xếp hợp lý hay thói quen “nước đến chân mới nhảy” dẫn đến công việc bị dồn lại gây quá tải và stress là hệ quả tất yếu. Giải pháp là bạn phải có kế hoạch rõ ràng, sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, cái nào nên làm trước, cái nào làm sau.
Ngoài ra, bạn cũng tránh ôm đồm quá nhiều việc. Hãy biết tự lượng sức mình và san sẻ bớt trách nhiệm với đồng nghiệp.
Tạo niềm vui trong công việc
Tâm lý căng thẳng một phần là do môi trường làm việc. Khi mọi người xung quanh đều làm việc căng như dây đàn, bạn dễ bị stress theo bởi phản ứng dây chuyền từ người này qua người khác. Hãy chú ý tạo những niềm vui nho nhỏ tại nơi làm việc bằng những lời nói đùa có chừng mực, những nụ cười sảng khoái, thái độ chan hòa với đồng nghiệp… Bầu không khí vui vẻ, thoải mái sẽ giúp chúng ta cảm thấy phấn chấn hơn.
Tĩnh lặng
Tranh thủ thời gian tĩnh lặng một mình, gạt công việc và những thứ khác qua một bên, để mọi suy nghĩ lắng xuống. Thả lỏng toàn thân và nghe một vài bản nhạc dịu êm hoặc nhạc không lời. Ngồi thiền hoặc đơn giản là nằm hoặc ngồi thư giãn có thể giúp bạn trở về trạng thái cân bằng. Cố gắng duy trì thói quen này mỗi ngày, không chỉ tốt cho tinh thần mà còn giúp cải thiện sức khỏe của bạn.
Suy nghĩ tích cực
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh, những người lạc quan có sức khỏe thể chất tốt hơn những người bi quan. Mặt khác, người tư duy tích cực cũng thể hiện bản thân tốt hơn những người tiêu cực trong cùng môi trường làm việc. Nếu bạn là người luôn hướng đến những khía cạnh tích cực của cuộc sống, bạn sẽ đối mặt với những căng thẳng và mệt mỏi một cách dễ dàng hơn và không quan trọng hóa những vấn đề mà mình đang gặp phải.
Trò chuyện với đồng nghiệp
Khi bị stress, âm thầm chịu đựng có thể khiến tình trạng của bạn tồi tệ hơn. Bạn nên chia sẻ với đồng nghiệp và cấp trên về những khó khăn bạn đang phải trải qua. Đặc biệt nếu có những khúc mắc, hiểu lầm trong quá trình làm việc với cấp trên hoặc đồng nghiệp, bạn cần mạnh dạn trao đổi để cùng nhau tháo gỡ khúc mắc trên tinh thần xây dựng.
Đừng quá cầu toàn
Nếu bạn là người luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo, bạn có nguy cơ mắc stress cao hơn những người khác. Tính cầu toàn sẽ khiến bạn có xu hướng kiểm soát mọi việc quá mức, luôn lo lắng và dễ căng thẳng nếu có điều gì xảy ra không như kế hoạch hoặc dự định của bạn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người cầu toàn thường có hàm lượng hoóc môn cortisol (gây stress) cao hơn và cũng dễ cảm thấy mệt mỏi, bực tức khó chịu và nản lòng.