Dâng sao giải hạn là mê tín dị đoan
Theo GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, dâng sao giải hạn chính xác là mê tín dị đoan nhưng lại có sức hút ghê gớm. Hàng nghìn người ngồi bệt, tràn ra ngoài đường ở chùa Phúc Khánh – một trong những trung tâm lớn nhất của việc dâng sao giải hạn ở Hà Nội. Ngôi chùa này nổi tiếng với việc dâng sao giải hạn từ hơn chục năm nay và ngày càng đông hơn. Từ đó mọi người tin và rỉ tai nhau, người nọ rồi người kia đến theo. Dân tình thấy thế thì tin chắc phải linh thiêng lắm và rủ nhau đến.
GS. TS Trương Quốc Bình cho hay, việc dâng sao giải hạn không hề có trong đạo Phật, điều này các nhà sư đều biết, nhưng các chùa vẫn tổ chức làm lễ dâng sao giải hạn. Dân chúng vẫn nô nức và thậm chí mong muốn được mất tiền để được ghi tên vào một tờ giấy. Ai đảm bảo là giải được hạn? Số tiền đó vào tay các nhà chùa như Phúc Khánh phải lên đến hàng chục tỉ đồng, nếu cứ 200 nghìn đồng tính cho mỗi người. Người ta đang bị lợi dụng mà không biết, mà đi theo một cách tự nguyện. Như việc đốt vàng mã, có lễ đến cả 500 triệu tiền vàng mã, phải chở hàng xe tải. Tục đốt vàng mã trước đây cũng có, nhưng không khủng khiếp như bây giờ.
Mỗi năm đốt 5 nghìn tỷ tiền vàng mã
Nếu thống kê thì một năm chúng ta đã đốt đi 5 nghìn tỷ tiền vàng mã. Tất cả những chỗ thờ Phật, thờ Mẫu, lên đồng... đều sử dụng vàng mã. Cấm thì không cấm được, vì người ta tự nguyện mua, không phải lừa đảo hay tham nhũng. Nhưng phải làm sao để người ta hiểu là làm tại sao lại làm thế, làm thế làm gì, phải giác ngộ xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân, kể cả từ bậc học đường để các cháu hiểu và không làm nữa. Nếu như bây giờ Nhà nước ra lệnh cấm đốt vàng mã e rằng khó. Năm 2018, Giáo hội Phật giáo cũng đã có văn bản về việc không khuyến khích đốt vàng mã ở các chùa. Nhưng các sư trụ trì các chùa thấy thiện nam tín nữ đến thì lại không "nỡ", lại khuyến khích sắm lễ để chùa cúng cho, nên rất khó - GS. TS Trương Quốc Bình chia sẻ.
Xây nhà thờ họ hoành tráng nhưng để thờ ai?
Gần đây cũng có phong trào đua nhau kêu gọi xây nhà thờ họ thật to, huy động cả trăm tỷ đồng. Theo GS. TS Trương Quốc Bình, truyền thống của người Việt là nhà thờ họ là thờ ông thủy tổ của dòng họ đó, chứ không phải là toàn bộ các thành viên của họ Bùi, họ Lê hay Nguyễn gì đó trong cả nước. Xây nhà thờ xong thì ai quản lý, rồi người ta chỉ cho người có tiền vào chứ bà con nông dân có được vào không? Mà thờ là thờ ai, chả biết là thờ ông nào?
Những người ủng hộ việc xây nhà thờ thực chất là những người sẽ kinh doanh bên nhà thờ đó chứ không phải vì cố kết tình đồng tộc hay chung huyết thống. Nếu đúng là người chung huyết thống, chung nhà thờ họ là sẽ không được lấy nhau, đây người cùng họ của tỉnh nọ đến thành phố kia thì đâu có chung huyết thống. Theo ý kiến của GS.TS Trương Quốc Bình, chỉ nên cố kết tình đồng tộc, đặt mối quan hệ huyết thống trong mối quan hệ chung của cộng đồng dân tộc. Đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ của những người hằng tâm hằng sản ủng hộ cho việc xây dựng, tu sửa tôn tạo hàng nghìn nhà thờ của các họ tộc đang bị hư hỏng và đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Bà Chúa Kho mà cho lộc rơi lộc vãi thì là bà đang tham ô
Cũng từ cuối những năm 1980, Đền Bà Chúa Kho, TP. Bắc Ninh đã trở thành chỗ để người ta thỏa mãn và đáp ứng yêu cầu kinh doanh ở đời thường. Người ta lên xin vay, và không vay được thì xin lộc rơi, lộc vãi của bà. GS Bình cho biết, Bà Chúa Kho nếu hiểu theo đúng nghĩa là người giữ quân lương cho nhà Lý, phải rất nghiêm, sao lại tùy tiện cho vay tiền, chỉ có hành vi tham ô tham nhũng mới thế. Còn lộc rơi lộc vãi thì giữ lương thực công sản thế nào mà để rơi vãi, mà ai cũng lấy lộc vãi của bà thì số lượng là bao nhiêu? Thông qua việc này người ta cảm thấy được thỏa mãn yêu cầu về kinh tế, ở đâu có cung có cầu thì thành ra kinh doanh tâm linh.
Thay đổi cần đi từ gốc
Chúng ta cũng thấy trong thời buổi kinh tế thị trường, con người có rất nhiều nhu cầu, không chỉ là ăn no mặc ấm có xe đi, mà là ăn ngon, mặc đẹp và đi xe đẹp. Bởi nhu cầu càng nhiều thì người ta càng phải mong muốn để được đáp ứng. Nhưng thay vì làm thế nào để khởi nghiệp, phát triển kinh tế hay có được nguồn thu, thì lại đi hối lộ thần thánh - GS Bình phân tích. Tiền thật đến mùa xuân được rải khắp các đền, chùa, phủ, tiền giả thì được đốt đi nhưng để mong được một cái gì đó chứ ít người cho không. Công chức thì lễ bình thường, người buôn bán to thì lễ lớn. Nhưng nhiều người lại không hiểu được là lễ phải gồm những gì. Lẽ vào chùa là phải cúng chay, thì có người vẫn mang chân giò, bia rượu, mà lại rất hỉ hả vì cỗ mình hơn người. Rồi thì còn sinh ra những người cúng thuê, cỗ của nhà này cúng xong lại được quay vòng cho nhà khác. Như vậy phân tích thấu đáo thì người ta lợi dụng đức tin của người khác để kiếm lời mà người bị lợi dụng không hề biết.
Để thay đổi nhưng suy nghĩ sai lệch về hoạt động tâm linh, GS.TS Trương Quốc Bình cho rằng cần phải đi từ gốc chứ không thể đi từ ngọn, không cấm được mà phải thay đổi nhận thức của xã hội về niềm tin, tâm linh. Đây mới là vấn đề cần sự chung tay của tất cả các tầng lớp xã hội.