Tìm kiếm tin tức
Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên khai mạc tại Huế
Ngày cập nhật 21/02/2019

Hội nghị lần này đặt ra nhiều kỳ vọng về chính sách cho liên kết vùng. Dự kiến sẽ có khoảng 10 kiến nghị về chính sách đối với Thủ tướng Chính phủ.

Sáng 16-2, Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên khai mạc tại TP Huế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị cùng hơn 500 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 19 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, du lịch... để bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để phát triển lĩnh vực mũi nhọn của khu vực này.

Hội nghị lần này đặt ra nhiều kỳ vọng về chính sách cho liên kết vùng. Dự kiến sẽ có khoảng 10 kiến nghị về chính sách đối với Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho rằng, Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm có 19 tỉnh, thành với diện tích tự nhiên xấp xỉ gần 152 ngàn km², dân số hơn 24 triệu người.

Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500km biên giới đường bộ với Lào và Campuchia, miền Trung - Tây Nguyên là lãnh thổ có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch.

Miền Trung – Tây Nguyên còn là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang vận hành với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1, trong đó Cảng nước sâu Chân Mây (Thừa Thiên Huế) đón được tàu biển lớn nhất thế giới cập cảng.

Nơi đây còn là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó: tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài ra, toàn khu vực còn có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 9 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, trong năm 2018, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là hơn 9,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch khoảng 120 ngàn tỷ đồng.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trên, nhưng sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng vơi vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Tổng doanh thu từ du lịch còn thấp; chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp. Hệ thống hạ tầng du lịch còn hạn chế, cơ sở vật kỹ thuật còn thiếu (khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao chỉ chiếm khoảng 17% cả nước). Tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá…

Trong thời gian tới, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, “chúng tôi hội tụ về đây với khát vọng vì một miền Trung - Tây Nguyên giàu đẹp, để cùng chắp cánh với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường”, ông Phan Ngọc Thọ nói.

"Chúng ta không thể thống nhất suy nghĩ của mọi người, nhưng có thế thống nhất mọi người qua một mục tiêu chung" từ đó, tạo bước đột phá, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch miền Trung - Tây Nguyên hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn. Song muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Câu danh ngôn ý nghĩa này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

Chính vì thế, hôm nay, 19 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên chúng tôi liên kết tổ chức hội nghị phát triển du lịch nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên, một thế mạnh của các địa phương trong khu vực.

“Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nỗ lực hết mình trong liên kết phát triển du lịch, đưa các điểm đến trong toàn khu vực trở thành những điểm đến có thương hiệu ở Châu Á”, ông Thọ kỳ vòng. 

Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Phát triển Vùng Duyên hải Miền Trung, để du lịch miền Trung – Tây Nguyên đột phá phát triển, du lịch miền Trung Tây Nguyên cần từ bỏ tư duy quy hoạch “mặt tiền”, mở ra tư duy liên kết du lịch “Biển, Hải đảo – Rừng, núi”.

Nối Duyên hải với Tây Nguyên theo từng cụm phát triển du lịch – Cụm Duyên Hải phía Bắc – Tây Nguyên, lấy Đà Nẵng làm trụ và Cụm Duyên hải phía Nam – Tây Nguyên, lấy Nha Trang làm trụ. Tập trung phát triển “cánh gà” du lịch phía Bắc đèo Hải Vân, tạo chuỗi du lịch Lăng Cô, Chân Mây (đô thị biển hiện đại) – Huế (Cố đô) – Bạch Mã (Núi) – Quảng Trị (Lịch sử - Văn hóa) – Quảng Bình (Kỳ quan thiên nhiên), phối hợp với “cánh gà” phía Nam Hải Vân với chuỗi du lịch Đà Nẵng – Hội An – Bà Nà – Mỹ Sơn, tạo thành Vùng Du lịch đẳng cấp cao của Thế giới.

Ưu tiên khai thác tài nguyên du lịch văn hóa – tâm linh chứ không đơn thuần nhấn mạnh khía cạnh di sản lịch sử - chiến tranh (chuyển hướng và chuyển trọng tâm).

Từ cách tiếp cận đó, sẽ nâng tầm được hàng loạt di sản hiện có như: thành cổ Quảng trị, các Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Thánh địa La Vang Nhà thờ Đồng Hới, Làng Sen Quê Bác,...

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược để định hình chân dung phát triển hiện đại – đặc sắc và đẳng cấp của mỗi tỉnh (kinh nghiệm Đà Nẵng).

Hội nghị lần này nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch vùng miền Trung và Tây Nguyên; đề xuất định hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp đột phá để đưa du lịch miền Trung và Tây nguyên thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng nghe các ý kiến góp ý, thảo luận từ các Bộ, ngành, đại diện cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế, du lịch... Đánh giá kết quả đạt được của hoạt động liên kết vùng; thảo luận kế hoạch liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2019 – 2020… Hiện các đại biểu đang thảo luận để tìm hướng cho du lịch miền Trung – Tây Nguyên phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp thu, đánh giá các ý kiến phát biểu và có bài phát biểu chỉ đạo vào cuối buổi họp. Ngoài ra, tại hội nghị này, dự kiến có 15 doanh nghiệp được trao quyết định chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp với tổng mức trên 32.300 nghìn tỷ đồng.

Một Số hình ảnh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu khai mạc hội nghị

Văn Thắng (Báo Sài Gòn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.375.202
Truy cập hiện tại 1.010