Tìm kiếm tin tức
Tạo tiền đề liên kết
Ngày cập nhật 13/02/2019

Hơn mười năm nay, chúng ta hay nghe nói đến hai cụm từ trong nông nghiệp – liên kết ba (bốn) nhà; xây dựng chuỗi giá trị. Liên kết như thế nào, xây dựng chuỗi giá trị ra sao thì đã được chỉ ra, nhưng làm sao để đạt được điều đó hình như “bí rị”.

Vườn rau trồng theo công nghệ mới ở Phú Thượng

Bài học từ Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh

Nông nghiệp Thừa Thiên Huế vẫn cơ bản là làm ăn nhỏ lẻ, thiếu hẳn sự liên kết, xâu chuỗi; rời rạc trong các khâu. Sự bấp bênh trong phát triển nông nghiệp chính là chỗ này. Mới nuôi vài chục bể cá lóc đồng ở Quảng Điền đã bí đầu ra. Cây ném ở huyện Phong Điền được cho là hiệu quả nhưng không thể nào tăng được diện tích vì làm nhiều không biết tiêu thụ ở đâu. Nhiều vùng trồng nấm cũng gặp tình trạng giá cả lên xuống thất thường…

May thay, cũng có vài sự liên kết, chuỗi giá trị được xây dựng nhưng còn ít. Xin nêu một ví dụ: Vụ đông xuân 2017 – 2018, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế đã mua lúa tươi tại đồng ruộng cho bà con nông dân ở nhiều huyện với giá cao hơn giá thị trường 5-7%. Khoảng 1.700 tấn lúa được mua theo dạng này. Vì sao công ty làm được điều đó? Đơn giản là vì chủ động được ít nhất ở ba khâu: Cung cấp giống lúa mới năng suất cao cho bà con nông dân và cam kết mua giá cao hơn giá thị trường, nếu năng suất không đạt như khi bà con sử dụng các giống lúa trước đây thì công ty sẽ bù lỗ khoản này; cung ứng phân bón và kỹ thuật canh tác. Và cuối cùng là công ty có điều kiện mua sản phẩm để sấy khô. Mỗi khâu công ty đạt được lợi nhuận một ít nên tổng lợi nhuận sẽ nhiều lên. Phần lợi nhuận này được chia sẻ cho người nông dân. Đây chính là sự khởi đầu cho sự hợp tác bền vững. Nhưng nhìn lui nhìn tới thấy không nhiều lắm những công ty làm được điều này ở thị trường Thừa Thiên Huế.

Bài học từ Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế cho thấy, làm nhỏ khó mà liên kết, xây dựng chuỗi giá trị được. Hay nói cách khác, muốn đạt được điều này thì phải tạo ra những điều kiện khác. Đó là làm ăn qui mô lớn. Có vùng nguyên liệu đủ lớn thì nhà đầu tư mới có thể đầu tư cho công tác chế biến, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhà đầu tư có cam kết chắc chắn thì người sản xuất mới mở rộng vùng nguyên liệu.

Trong thị trường hiện nay, dù là làm nông nghiệp, được cho là một ngành có nhiều rủi ro, nhưng những nhà làm ăn lớn, bài bản ít khi thất bại. Thất bại, bấp bênh thường rơi vào người nông dân làm ăn nhỏ lẻ. Khi chăn nuôi heo, các tập đoàn lớn họ cung cấp cả con giống, thuốc thú y, kỹ thuật; liên kết với nhà đầu tư nuôi gia công; họ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; họ chế biến ra các sản phẩm và làm thương hiệu. Làm như thế này khó mà lỗ.

Sản xuất gắn với chế biến

Một vài gợi ý từ thực tế hoạt động của một số đơn vị, có thể cho chúng ta những bài học nào đó về sự liên kết. Trong điều kiện chưa làm qui mô lớn được thì làm quy mô vừa. HTX rau má Quảng Thọ đầu tư cho máy móc chế biến ra các sản phẩm làm từ rau má là vì đã hình thành được vùng nguyên liệu rau má. Vùng nguyên liệu không lớn thì đầu tư thiết bị chế biến với qui mô tương ứng.

Gần đây là trà làm từ trái vả có tên gọi Lộc Mai ở Phú Lộc. Máy móc thiết bị đầu tư qui mô cũng không lớn nhưng đã kích thích người dân tạo ra một vùng nguyên liệu. Từ sản phẩm đầu tiên là trà làm từ trái vả, giờ đây, đơn vị đầu tư đã cho ra đời thành công thêm sản phẩm rượu vang mang nhãn hiệu Bạch Mã làm từ trái vả. Sản phẩm viên thuốc trị bệnh tiểu đường cũng từ sản phẩm trái vả…

Bài học ở đây là sản xuất phải gắn với chế biến. Để chủ động nguyên liệu ổn định cho hoạt động của nhà máy, buộc họ phải cảm kết mua sản phẩm của người nông dân (có khi là với giá định sẵn trước trong kinh tế học gọi là thị trường tương lai). Người nông dân không lo không bán được sản phẩm, còn nhà chế biến thì không lo máy “đắp chiếu” khi thiếu sản phẩm đầu vào.

Tôi có dịp đi Campuchia cách đây mấy năm, mua một cân khô lóc biển hồ Tolesap giá đã 450.000 đồng. Các sản phẩm hải sản khô của vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ do ban đầu tiêu thụ sản phẩm tươi không hết nên họ đã nghĩ ra cách chế biến (giống như nghề chế biến nước mắm ven biển của Thừa Thiên Huế). Ban đầu thì làm thủ công sau tiến dần lên sấy khô, đóng gói hút chân không, in nhãn mác thương hiệu. Nông nghiệp chúng ta có lẽ đi theo hướng này. Sản xuất phải gắn với chế biến. Chưa làm qui mô lớn được thì làm qui mô vừa, bán công nghiệp để nâng cao giá trị thương phẩm mà cũng là để tiểu thụ được lâu, đi xa hơn.

Vừa rồi nghe nhiều thông tin các địa phương có ý định làm thương hiệu sản phẩm. Phong Điền lên kế hoạch xây dựng vùng lúa hữu cơ. Qui mô ban đầu là 200 ha sau đó nâng dần lên 500 ha và nhiều hơn nữa. A Lưới có đề án làm rượu sim, thương hiệu bò A Lưới với qui mô đến 10.000 con… Tất cả những điều này đã cho thấy bắt đầu một “nhận thức mới” – sản xuất phải kết hợp với chế biến, làm thương hiệu. Nếu qui trình từ sản xuất đến tiêu dùng trải qua nhiều khâu thì bây giờ ít nhất những vùng nguyên liệu nông nghiệp này đã chủ động được hai khâu sản xuất, chế biến.

Tóm lại, muốn có liên kết phải tạo ra những điều kiện, tiền đề để có sự liên kết. Đây mới là điều quan trọng chứ không phải những lời nói chung chung.                     

Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.375.494
Truy cập hiện tại 1.086