Cho đến thời điểm này, chị Mai là người giữ kỷ lục trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa về số lần hiến máu nhân đạo. Chị đã có hơn 90 lần hiến máu, trong đó có 88 lần hiến máu tình nguyện, 2 lần hiến tiểu cầu và một lần hiến máu khẩn cấp. Chắc chắn đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi chị chưa có ý định dừng lại.
Chị Mai cho biết, cơ duyên khiến chị tình nguyện hiến máu cứu người là vào năm 2000. Khi ấy, trong lúc chị đang chăm sóc cha ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh thì tình cờ chứng kiến một cụ già tử vong do mất máu.
Tiếp đó, chị cũng nhìn thấy rất nhiều người không tìm được người hiến máu vào thời khắc sinh tử khiến chị trăn trở và quyết định sẽ tham gia hiến máu cứu người. Khi chị đem ý định này nói với mẹ thì bị phản đối, nhưng với quyết tâm của mình, chị vẫn âm thầm trốn mẹ, trốn chồng đi hiến máu tình nguyện.
“Cảm giác lần đầu hiến máu run sợ lắm. Sợ mình bị bệnh nên không thể hiến máu, sợ sức khỏe bị giảm sút không thể làm việc… Nhưng nghĩ tới việc những giọt máu của mình có thể cứu được nhiều mạng người, cuối cùng tôi cũng đã vượt qua.
Sau khi hiến máu lần thứ nhất, nhận thấy sức khỏe bình thường, tôi yên tâm tiếp tục đi hiến máu lần thứ hai, thứ ba… Thấy nước da tôi ngày càng đẹp, sức khỏe khá ổn định nên gia đình không còn phản đối nữa và cho đến nay, tôi đã có hơn 90 lần hiến máu”, chị Mai tâm tình.
Lượng máu của chị Mai hiến ngày càng tăng, nếu như trước đây chỉ có 200ml/lần thì kể từ sau năm 2010, chị hiến 250ml/lần, thậm chí cao điểm 450ml/lần. Có năm chị Mai hiến từ 6 - 8 lần.
Nói về những kỷ niệm hiến máu, chị Mai kể: “Năm 2012, tôi trực tiếp hiến máu khẩn cấp cứu chị Nguyễn Thị Thùy Trang (32 tuổi, ngụ cùng địa phương) bị tim bẩm sinh, cần mổ gấp. Lần đó rất khẩn cấp, nếu không có máu thì chị Trang khó qua khỏi.
Các bác sĩ chẩn đoán sự sống của chị Trang lúc đó rất mong manh, nếu chuyển máu từ nơi khác về e là không kịp. Với quyết tâm phải giành giật sự sống cho chị Trang, tôi đề nghị bác sĩ lấy bao nhiêu máu cũng được. Sau khi được tôi hiến máu, chị Trang khỏe lại. Hiện giờ, sức khỏe chị Trang bình thường, đã lập gia đình và sống hạnh phúc”.
Giữa năm 2014, chị Mai vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) thăm người thân đang điều trị. Ở đây, chị tình cờ nhìn thấy một cụ già người miền Tây bị gãy xương đùi do tai nạn đang cần tiếp máu trong ca cấp cứu mà gia đình thuộc diện nghèo khó, liền tình nguyện hiến 2 đơn vị máu. Sau lần ấy, gia đình cụ già thường xuyên gọi điện cảm ơn chị.
Chia sẻ bí quyết về việc hiến máu kỷ lục mà không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, chị Mai bảo, chị không ăn kiêng, thường xuyên uống nước nhiều, ăn uống điều độ, ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả và quan trọng là phải tập thể dục hàng ngày. Khẩu phần ăn của chị cũng hạn chế những chất tinh bột, chất béo, chất ngọt.
Không dừng lại ở việc hiến máu, trong một hội nghị tập huấn kiến thức tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa năm 2010, sau khi nghe ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thuộc Bộ Y tế, đề cập đến những hoạt động điều phối về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong nước, chị Mai đã đăng ký hiến xác và các bộ phận cơ thể sau khi mình qua đời cho y học.
“Cái còn lại ý nghĩa nhất vẫn là việc gì mình có thể làm có ích cho người khác. Mình không có tiền bạc để hiến thì hiến thân xác cho ngành y tế”, chị Mai thành thật nói.
Tích cực hoạt động nhân đạo
Với chức trách là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa, chị Mai cũng đã vận động nhiều người dân địa phương tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi năm hiến được từ 75 - 90 đơn vị máu, 5 - 10 đơn vị tiểu cầu. Trước năm 2002, số lượng hiến máu của địa phương chỉ tính trên đầu ngón tay, nhờ sự vận động của chị Mai mà nay đã tăng lên đáng kể. Hiện tại, chị đang “quản lý” 90 người có nhóm máu O, 25 người có nhóm máu A, 19 người có nhóm máu AB.
“Khi nào ai cần nhóm máu gì thì cứ thông báo cho tôi, tôi sẽ ráng hỗ trợ kịp thời một cách tốt nhất. Với tôi, hiến máu cứu người là hạnh phúc. Và càng hạnh phúc hơn khi có lần tôi hiến máu cho chính mẹ của tôi, người đã từng can tôi không nên hiến máu. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi. Cảm nhận được tính nhân đạo trong hoạt động hiến máu nên từ đó không chỉ ủng hộ tôi, mẹ còn vận động nhiều người cùng tham gia”, chị Mai tâm sự.
Theo anh Phạm Tuấn Nam, một hội viên tham gia hiến máu ở phường Cam Nghĩa, trước đây vợ chồng anh rất e ngại hiến máu vì cứ nghĩ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng qua cách tuyên truyền, vận động của chị Mai và thực tế bản thân chị sức khỏe vẫn bình thường, nên từ năm 2013 đến nay, vợ chồng anh đã noi gương chị thường xuyên đi hiến máu cứu người. Tính đến nay, vợ chồng đã có 15 lần hiến máu.
Ngoài ra, từ nhiều năm qua, chị Mai luôn chủ động phối hợp với các đoàn thể xã hội ở phường Cam Nghĩa vận động nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất cho Bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh cùng hàng trăm trường hợp khó khăn đặc biệt do lâm bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn, khuyết tật, nhiễm HIV, nạn nhân chất độc da cam…
Ông Lê Văn Hoa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Chị Mai là một điển hình trong việc hiến máu tình nguyện. Chị xông xáo, tích cực trong các hoạt động nhân đạo. Đây là một trong những tấm gương tiêu biểu của tỉnh Khánh Hòa. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang nhân rộng những điển hình như chị để việc nghĩa này ngày càng lan tỏa trong xã hội”.