Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ chiều 9/1, ông Lê Anh Tuấn cho biết, cơ quan này được giao xây dựng Đề án văn hoá công vụ và mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về phê duyệt đề án này.
“Đề án tương đối khó, từ thuật ngữ văn hoá công vụ như thế nào, chuẩn mực đạo đức của công chức ra sao, chuẩn mực giao tiếp ứng xử, lối sống, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức. Chúng tôi theo dõi thấy trên phương tiện thông tin đại chúng đề cập tới câu chữ, thuật ngữ thế nào là hành vi nịnh bợ, nịnh bợ không trong sáng, tham nhũng vặt,… Nếu chỉ căn cứ vào thuật ngữ, chẻ câu chữ thì còn rất nhiều vấn đề”- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trước đây đã có một số quy định liên quan đến vấn đề này. Trong Luật Cán bộ, công chức cũng đã nhắc tới nhưng đề án mới được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã gom một số cách hiểu cơ bản về văn hoá công vụ. Nội dung văn hóa công vụ tập trung vào bốn vấn đề lớn gồm: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.
Để thực hiện đề án này, Thủ tướng đã giao các bộ ngành, địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong kế hoạch hàng năm. Bộ Nội vụ cũng đã giao cho Viện khoa học tổ chức nhà nước phối hợp với Văn phòng Bộ triển khai các nội dung này.
“Tới đây Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hội nghị triển khai về văn hoá cán bộ, công chức, viên chức”- ông Tuấn nói.
Như Dân trí đã phản ánh, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hoá công vụ với đối tượng gồm cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan hành chính nhà nước cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Trong đó yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.
Đề án quy định trong giao tiếp với người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải luôn tôn trọng, lắng nghe, giải thích cặn kẽ thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ.
Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng chỉ đạo, điều hành phân công công việc của cấp trên. Không trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Đối với đồng nghiệp, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, không bè phái, gây mất đoàn kết cơ quan.
Không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh "Hàm"
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dân thi hành chưa có quy định về việc bổ nhiệm chức danh "Hàm" trong cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, tại một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương do đặc thù công việc và để đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức khi được điều động về các cơ quan ở Trung ương công tác nên đã thực hiện việc bổ nhiệm chức danh "Hàm".
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 18/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII), Ban Tổ chức Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, xây dựng Đề án "Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia; tiêu chuẩn, chế độ trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” để khắc phục việc bổ nhiệm chức danh "Hàm" trong các cơ quan, tổ chức.
Để thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và của pháp luật về công tác cán bộ, trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh "Hàm", Bộ Nội vụ đã có công văn về việc không thực hiện việc bổ nhiệm chức danh "Hàm" gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan liên quan không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh "Hàm" đối với cán bộ công chức, viên chức.