Tìm kiếm tin tức
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019
Ngày cập nhật 07/08/2019
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Sáng nay, 6/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, sự kiện diễn ra ngay trước thềm năm học mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung; các sở ngành, địa phương cùng tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học này, toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về GD&ĐT.

Theo Bộ trưởng, để chuẩn bị cho Hội nghị, trước đó, Bộ đã tổ chức hội nghị các sở GD&ĐT, hội nghị các cơ sở giáo dục đại học để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019 và dự kiến nhiệm vụ năm học 2019-2020. Tại các hội nghị này, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo báo cáo của Bộ, xác định năm học 2019-2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.

Trong đó, tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Tại Hội nghị, bên cạnh làm rõ các kết quả nổi bật trong năm học vừa qua Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các đại biểu thảo luận về những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, trong đó làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương. “Tôi trân trọng đề nghị các đồng chí, quý vị đại biểu tư vấn, góp ý, hiến kế để ngành giáo dục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới 2019-2020”, ông Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh internet)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân cho rằng, mặc dù có nhiều thách thức nhưng ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng nề nếp hơn, chất lượng hơn năm ngoái, tạo được niềm tin cho toàn xã hội đối với ngành có hơn 1,4 triệu giáo viên, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên.

Về các điểm nhấn, thành công của ngành giáo dục, Thủ tướng nêu rõ, đã tạo ra hành lang pháp lý khá tốt, rõ ràng cho ngành GD&ĐT. Chúng ta đã phổ cập giáo dục đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,98% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em 5 tuổi đến trường. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều tăng.

Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới, 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Cơ sở vật chất của ngành được bổ sung với trên 5.000 phòng học, 38 công trình nước sạch, 60.000 nhà vệ sinh được xây dựng. Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới là một điểm nhấn trong năm nay. Một số “vùng trũng” về giáo dục nay đã vươn mình, chuyển biến tốt hơn.

Chỉ ra các yếu kém, tồn tại để khắc phục, Thủ tướng nêu rõ, công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường học còn kém như tình trạng thừa thiếu trường lớp, học sinh phải đi xa nhà. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để làm thiết chế trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

 Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở về tình trạng giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế cho nên, một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội.

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị “việc đầu tiên liên quan tới địa phương đó là yêu cầu bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống mẫu giáo, mầm non hiện nay đang thiếu nghiêm trọng”. Yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường ĐH sư phạm trọng điểm như Sư phạm Hà Nội, TPHCM, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương.

Nhấn mạnh các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng, Thủ tướng nêu trực trạng, nhiều trường hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu…

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “có tên mà không có thực”, "hữu danh vô thực". “Và tôi cũng yêu cầu các đồng chí trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra và dừng các ngành đào tạo mà có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh nề nếp hơn, Việc đào tạo những cán bộ làm việc và hội nhập sâu rộng, chứ không để tình trạng có bằng nhưng không biết làm việc. Phải tiếp tục chấn chỉnh vấn đề này.

Năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên. Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội mà nhà trường đóng vai trò trung tâm.

Thủ tướng nhấn mạnh, thầy cô gương mẫu là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo. Các tổ chức quần chúng có trách nhiệm cùng nhà trường và gia đình để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên để triển khai trong năm học mới này.

Yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ tình trạng thiếu nguồn nhân lực có đào tạo, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn phải được khắc phục sớm hơn trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế số hiện nay.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành cơ chế, chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ, trong đó cần bảo đảm vai trò hội đồng trường phải thực sự đúng thẩm quyền, đúng quy định, “chứ chọn người kém uy tín, thiếu nghiệp vụ thì làm sao hội đồng trường phát huy được”.

Cần thí điểm nghiên cứu thực hiện cơ chế mầm non, phổ thông có đủ điều kiện thực hiện chi tiêu thường xuyên, từ đó, tổng kết, báo cáo Thủ tướng xây dựng nghị định đổi mới cơ chế quản lý mầm non và phổ thông chặt chẽ, phù hợp, không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ quan những nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ bứt phá, ngành giáo dục phải bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

 

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.434.146
Truy cập hiện tại 4.639