Tìm kiếm tin tức
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7
Ngày cập nhật 31/07/2018
Nghĩa trang Hương Điền

Để đền đáp công ơn các anh hùng liệt sỹ các thương binh, bệnh binh, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và chọn ngày 27 tháng 7 năm 1947 là “Ngày Thương binh toàn quốc”. Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước ra quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Người căn dặn “Thương binh, gia đình liệt sỹ là người có công với nước, vì vậy bổn phận chúng ta là phải đền ơn giúp đỡ họ” Kể từ đó, ngày 27 tháng 7 hàng năm đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một ngày thiêng liêng có ý nghĩa lịch sử chính trị, xã hội sâu sắc mang đậm truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc biết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi, với ý chí kiên cường bất khuất và lòng thủy chung nhân hậu đã vượt quan muôn ngàn khó khăn, gian khó, hy sinh cống hiến to lớn về sức người sức của, không tiếc máu xương, sự sống của mình để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, chung một khát vọng độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã vượt qua muôn vàn thử thách hy sinh giành được những thăng lợi vĩ đại, viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Đó là thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại chống thực dân, đế quốc mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giữ gìn toàn vẹn non sông, thu về một mối. Vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vì sự bình yên hạnh phúc của nhân dân hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” hoặc đã mang thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ, những người cha, người mẹ , người chồng, người vợ và những người con mãi mãi không thể gặp lại được người thân yêu nhất của mình. Những hy sinh cao cả và công lao to lớn đó “đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”. Họ đã chết cho Tổ quốc sống mãi “máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm, sự hy sinh anh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Quê hương Phong Điền tự hào là nơi có phong trào cách mạng rất sớm, rất kiên trung, liên tục và bền bỉ qua suốt chiều dài lịch sử. Dù phải trãi qua nhiều hy sinh, gian khổ nhưng vẫn kiên cường, bất khuất. Các thế hệ nhân dân Phong Điền nối tiếp nhau ra trận với quyết tâm đánh đổ cường quyền, xâm lược của kẻ thù. Đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân huyện nhà càng được nhân lên gấp bội và suốt trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân, đế quốc, hình ảnh người dân Phong Điền đánh giặc là là sự thể hiện sinh động của lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì độc lập, thống nhất đất nước.

Cứ đến ngày 27/7, kể cả trong chiến tranh và hòa bình lặp lại, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" bằng những việc làm thiết thực thông qua các phong trào "Đón thương binh về làng" từ những năm chống thực dân Pháp đến phong trào "Chăm sóc thương binh tại nhà" phụng dưỡng “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời tại nhà”, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" “Mỗi cơ quan đơn vị gắn với mỗi địa chỉ nhân đạo”, đến việc "Đi tìm đồng đội" của nhân dân, cán bộ, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm đạo lý đối với người đã chịu nhiều mất mát, hy sinh.

Cho đến nay, toàn huyện đã xét và đề nghị nhà nước phong tặng và truy tặng 593 danh hiệu cao quý Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (hiện nay 22 mẹ còn sống); 07 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; suy tôn 3.613 liệt sỹ; giải quyết chế độ cho 558 thương binh, bệnh binh, 714 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và bị địch bắt tù, đày; 3.745 người có công giúp đỡ cách mạng; qua các phong trào, có 25 đơn vị nhận phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; đã vận động đóng góp được trên 2,5 tỷ  đồng vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” xây dựng và sửa chữa gần 300 căn nhà tình nghĩa (trị giá hơn 9 tỷ đồng); 16/16 xã, thị trấn có nhà bia ghi danh, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ được xây dựng, sửa chữa; Nghĩa trang Hương Điền với gần 3.593 mộ phần của liệt sỹ của khắp mọi miền Tổ quốc đã được Huyện thường xuyên trùng tu, tôn tạo sửa chữa và thế hệ trẻ Đoàn viên Phong Điền nhận chăm sóc hương khói trong các dịp lễ kỷ niệm, ngày trọng đại giải phóng quê hương, tạo không gian trang nghiêm, thành kính để mọi người dân trong và ngoài địa phương đến thăm viếng, tưởng niệm. Đặc biệt, vào năm 2004, Huyện đã xây dựng ngôi Đền Liệt sỹ trang nghiêm ở trung tâm thị trấn Phong Điền làm nơi thờ tự, tri ân 3613 anh hùng liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang - những người con ưu tú của quê hương Phong Điền đã nằm xuống trên mãnh đất này.

Trên con đường xây dựng quê hương, đất nước hôm nay, bên đồng đội đã hy sinh, các thương binh, bệnh binh – những người bỏ một phần xương máu hay mang thương tật suốt đời bởi bom đạn, chất độc chiến tranh, họ vẫn ngày đêm ra sức xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế và đã xuất hiện nhiều gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng xuất sắc, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, có nhiều thương binh, bệnh binh cho dù cho thân thể không còn nguyên vẹn đã vượt qua khó khăn, bệnh tật nổ lực vươn lên làm giàu, tích cực tham gia các phòng trào “Đền ơn đáp nghĩa” “Đi tìm đồng đội”, tham gia giúp đỡ các gia đình chính sách, người già, người có hoàn cảnh khó khăn trở thành hình ảnh đẹp đáng trân trọng trong đời sống cộng đồng, dân cư trên địa bàn.

Những cơn mưa cuối mùa hạ đã báo hiệu một mùa thu lịch sử sắp đến, là dịp để toàn đảng, toàn quân và toàn dân nói chung trong đó thế hệ trẻ Phong Điền nhớ về ngày 27/7 như là nghĩa cử truyền thống của thế hệ đi sau đối với những người xã thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc làm rạng rỡ cho quê hương Phong Điền anh hùng. Cũng chính vì nghĩa cử cao đẹp đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà luôn chăm lo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với nước, xem đó là tình cảm và vinh dự tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với dân tộc và đất nước

 

Đài Truyền thanh huyện
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.438.318
Truy cập hiện tại 508